Quảng cáo nước tăng lực của VTV bị chỉ trích phản cảm, dung tục

Quảng cáo một loại nước tăng lực trên VTV đang nhận nhiều chỉ trích từ phía người xem truyền hình.

Hình ảnh ngoài đời của các biên tập viên VTV
Ảnh thời trẻ của Diễm Quỳnh và những BTV kỳ cựu ở VTV
MC VTV lấy được vợ 'nhờ bát cháo sườn' và đám cưới 100 khách mời

Thời gian gần đây, VTV liên tục phát video quảng cáo về một loại nước tăng lực lấy bối cảnh là ngôi nhà của cặp vợ chồng trẻ trong trang phục đồng bào dân tộc ít người.

Trong quảng cáo, người chồng lên núi và leo lên nóc nhà để làm việc, người vợ đưa ra lon nước tăng lực và nhắn nhủ: 'Mình uống đi cho khỏe' với thông điệp uống sẽ 'giúp bạn khỏe hơn trước khi bước vào công việc'.

Ở đoạn cuối, người chồng cài cửa lên giường đi ngủ, người vợ tiếp tục đưa lon nước và nói: 'Mình uống đi cho khỏe'. Người chồng cũng nhắn vợ: 'Vậy mình cùng uống đi cho khỏe'.

Quảng cáo nước tăng lực của VTV bị chỉ trích phản cảm, dung tục
Quảng cáo nước tăng lực được phát trên VTV (Ảnh chụp từ video).

Biểu cảm trên khuôn mặt của hai vợ chồng cùng những câu thoại khiến người xem cho rằng câu chuyện giường chiếu được trưng ra một cách phản cảm. Trong khi quảng cáo này được phát trên truyền hình quốc gia vào khung giờ vàng - thường có cả trẻ em theo dõi.

Việc sử dụng trang phục của đồng bào dân tộc trong quảng cáo cũng bị nhiều người xem nhận định là một sự tùy tiện, thiếu tôn trọng đồng bào dân tộc.

Thậm chí, có khán giả đã gửi kiến nghị đến VTV yêu cầu giải thích và dừng phát sóng quảng cáo trên. Tuy nhiên cũng có một số ý kiến cho rằng, quảng cáo trên hoàn toàn bình thường, có thể nói là thu hút người xem.

'Tôi thấy quảng cáo này vui vẻ, hài hước. Dung tục hay phản cảm chỉ là do cách nhìn nhận và đánh giá của mỗi người', độc giả Hoài Bích cho biết.

Liên quan đến vấn đề này, Thạc sĩ Lê Minh Huân, Giảng viên khoa Tâm lý học, trường ĐH Sư phạm TP.HCM, đánh giá, nếu xem xét ở góc độ sáng tạo đây là một quảng cáo có tính sáng tạo, gây được hiệu ứng nhất định về mặt truyền thông.

'Phản cảm hay không là do góc nhìn, quan điểm của mỗi người. Bất cứ vấn đề nào cũng đều có nhiều ý kiến, quan điểm đa chiều, thậm chí trái ngược nhau', Thạc sĩ Huân nói.

Quảng cáo nước tăng lực của VTV bị chỉ trích phản  cảm, dung tục
Quảng cáo nhận được nhiều ý kiến trái chiều từ người xem (Ảnh chụp từ video).

Tuy nhiên, giảng viên này cho rằng, quảng cáo nước tăng lực trên có một số yếu tố chưa phù hợp với đối tượng người xem là trẻ em.

Thạc sĩ Huân phân tích, nhiều người sẽ đồng ý rằng đoạn quảng cáo nước tăng lực này sẽ được đón nhận rộng rãi nếu chỉ dừng lại ở 2 bối cảnh là người đàn ông đi lên rẫy và leo lên mái nhà, người vợ đưa nước tăng lực.

Tuy nhiên khi lồng ghép thêm bối cảnh người chồng chuẩn bị lên giường đi ngủ, người vợ đưa lon nước với lời nhắn: 'Uống đi cho khỏe' thì lại gây ra những hiệu ứng chưa tích cực cho người xem. Đặc biệt là khi quảng cáo được phát sóng ở khung giờ nhiều trẻ em xem truyền hình.

 

'Nhà sản xuất quảng cáo chắc chắn có lý do khi cố tình đẩy một số tình tiết nhằm thu hút người xem tập trung vào câu slogan 'Uống đi cho khỏe'. Trong khi đó, đối tượng trẻ em lại rất dễ học theo, làm theo những điều được lặp đi lặp lại nhiều lần trong nhiều ngày.

Trẻ em với đặc điểm nhận thức chưa đầy đủ, tư duy phản biện, phân tích chưa đa chiều - có thể nói theo 'Uống đi cho khỏe' mà không hiểu rõ thông điệp, ý tưởng của đơn vị quảng cáo.

Ngoài ra, khả năng trẻ học theo các cử chỉ, điệu bộ, hành động 'chưa chuẩn mực' của nhân vật cũng có thể xảy ra, từ đó dễ gây ra các tình huống khó xử trong các vấn đề liên quan đến giới tính, tình dục sau khi xem', anh Huân cho biết.

Theo Thạc sĩ Huân, các chương trình nếu lựa chọn phát sóng trên đài quốc gia phải được kiểm soát kỹ càng bởi nó tác động rất nhiều đối tượng tiếp nhận.

Dù sáng tạo, đạt được hiệu quả truyền thông nhưng quảng cáo không thể không xem xét các tác động, ảnh hưởng đến khán giả về văn hóa, giáo dục.

Anh Lê Minh Huân cũng cho rằng, các động thái rà soát và điều chỉnh để đoạn quảng cáo đáp ứng mong mỏi chính đáng của đông đảo khán giả từ phía Đài truyền hình Quốc gia sẽ thể hiện tính thiện chí và tranh thủ được sự ủng hộ từ khán giả tốt hơn.

Theo đó, nếu như giới chuyên môn đánh giá không phản cảm nhưng người xem không ủng hộ hoặc số người không ủng hộ chiếm tỉ lệ cao hơn người ủng hộ, nhà đài chắn chắn sẽ cần nhìn nhận vấn đề một cách đa chiều để có những phản hồi, điều chỉnh.

Như thế quảng cáo sẽ đi vào lòng người hơn và cho thấy 'chúng ta đang thực sự phục vụ khán giả'.

Cũng theo Thạc sĩ Huân, trước những quảng cáo có yếu tố không phù hợp với trẻ em, phụ huynh có thể giúp con loại trừ các yếu tố này bằng cách cùng xem và trò chuyện với con một cách thấu đáo.

Thay vì tránh né, cha mẹ hãy xem như đây cơ hội để dạy con về giới tính, về cách tiếp nhận, chọn lọc thông tin (con nên lựa chọn cái nào phù hợp và tiếp thu như thế nào).

'Phụ huynh hoàn toàn có quyền chuyển kênh hoặc quyết định tắt tivi khi thấy nội dung chưa phù hợp với con trẻ. Mặc dù chúng ta không cổ vũ chuyện né tránh việc giáo dục, trò chuyện với con về giới tính, tình dục nhưng nếu đó là giải pháp cuối cùng, an toàn hơn trong bối cảnh gia đình mình thì phụ huynh cũng nên cân nhắc lựa chọn tắt tivi để bảo vệ con mình', Thạc sĩ Huân cho biết.

Nhận xét